Đồng Minh phản công (tháng 3 - 5 năm 1941) Trận_chiến_Đại_Tây_Dương_(1939–1945)

Sau những tổn thất thảm hại trong năm 1940, hải quân Anh buộc phải chấn chỉnh lại chiến lược chống lại hải quân Đức. Một trong những thay đổi quan trọng là thiết lập những đội tàu chiến hộ tống thường xuyên cho các đoàn tàu hàng tiếp vận, điều hợp đội hình vững chắc hiệu quả hơn và cố gắng bảo vệ tính mạng của thủy thủ. Những chiếc khu trục hạm phế thải của Mỹ lúc này cũng bắt đầu tham gia tàu chiến của Anh và Canada trong các cuộc hộ tống. Ngoài ra còn có hỗ trợ từ các đoàn chiến thuyền nhỏ của Lực lượng Pháp Tự do, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan. Từ năm 1941, thái độ của dư luận Hoa Kỳ cũng đã khác so với năm 1939. Họ bắt đầu lên tiếng ủng hộ Anh và đồng minh trong cuộc đấu tranh chống lại Đức Quốc xã.

Những đội hộ tống đầu tiên gồm 2 hay 3 chiếc khu trục hạm và 6 hay 7 chiếc tàu hộ tống nhỏ (corvette), đi kèm hộ tống một đoàn thương thuyền thường với khoảng 6 tàu buôn. Các cuộc thao diễn hành quân được dàn dựng để tạo kinh nghiệm chiến đấu từ cấp chỉ huy đến binh lính. Căn cứ hải quân được thiết lập tại Tobermory dưới chỉ huy của Đô đốc Gilbert O. Stephenson.[14]

Tháng 2 năm 1941, bộ tư lệnh hải quân Anh dời căn cứ từ Plymouth đến Liverpool để tiện liên lạc với các cuộc hành quân trên Đại Tây Dương. Không quân Anh cũng bắt đầu được sử dụng trong công tác hộ tống và tấn công phản kích quân lực Đức. Từ tháng 4, hải quân Anh được quyền chỉ huy các phi đội tuần phòng bờ biển. Về mặt kỹ thuật, các radar trên tàu chiến và máy bay Anh được phát triển ngày một nhiều để có thể phát hiện khi tàu ngầm địch đã trồi lên mặt nước.

Những cải tiến của hải quân Anh đem lại thành quả vào mùa xuân năm 1941. Vào đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 tháng 3 năm 1941, thuyền trưởng nổi tiếng Prien của Đức và chiếc U-47 của ông bị mất tích. Hai tuần sau, một toán U-boot đột kích đoàn tàu hàng HX 112 nhưng bị đội hộ tống đánh lui. Chiếc U-100 bị radar của tàu Anh HMS Vanoc phát hiện khi đang nổi trên mặt biển và nhanh chóng bị chiến thuyền này cán chìm. Không bao lâu sau thì chiếc U-99 cũng bị hỏng và đoàn thủy thủ bị bắt. Hải quân Đức thiệt mất ba thuyền trưởng lừng danh Kretschmer, Prien và Schepke chỉ trong tháng 3.

Dönitz trước tình thế này ra lệnh đưa tàu ngầm xa hơn về phía tây, chận đánh các đoàn tàu buôn trước khi đoàn hộ tống từ Anh kịp ra đón để hộ tống. Chiến lược này đạt hiệu quả đầu tiên khi đoàn tàu buôn SC 26 bị đánh úp với 10 chiếc tàu bị bắn chìm. Khi đoàn hộ tống ra đến nơi thì chỉ hạ được 1 chiếc U-boot.

Xem thêm: Máy Enigma

Ngày 9 tháng 5, khu trục hạm HMS Bulldog bắt được tàu ngầm U-110 và tịch thu được máy mật mã Enigma và các tập ghi mật hiệu. Nhờ đó mà công cuộc giải mã của máy Enigma tiến thêm được một bước khá quan trọng. Hải quân và tình báo Anh dần dần đoán được nhiều kế hoạch hành quân bí mật của quân Đức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_chiến_Đại_Tây_Dương_(1939–1945) http://homepage.ntlworld.com/annemariepurnell/can3... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.history.navy.mil/photos/sh-fornv/german... http://www.royalnavy.mod.uk/server/show/nav.3921 https://archive.is/20121221114649/victory.mil.ru/w... https://archive.is/20121221154838/victory.mil.ru/w... https://uboat.net/fates/losses/chart.htm https://web.archive.org/web/20010124094400/http://... https://web.archive.org/web/20071001045906/http://... https://web.archive.org/web/20081218044431/http://...